Ông Nguyễn Khánh Toàn, Chánh Văn phòng Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng chỉ giới đại gia lắm tiền, nhiều của mới có tiền sử dụng xe đẹp và biển số đẹp chứ phần đông người dân không có nhu cầu. “Việc không thể đấu giá biển số đẹp, đặc biệt ở Hà Nội và TPHCM càng tạo điều kiện cho những dư luận râm ran về tiêu cực trong việc sở hữu biển đẹp” - ông Toàn nói.
Đề án bán biển số xe đẹp để làm từ thiện đã đổ bể. Trong khi đó, dễ dàng bắt gặp những chiếc siêu xe gắn biển “độc” trên đường phố Hà Nội, TPHCM, Ninh Bình, Quảng Ninh…
Nói về việc đề án bán biển số xe đẹp để làm từ thiện không thể tiến hành, ông Trần Thế Quân, Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ Công an), cho biết việc cấp biển số xe đang tiến tới thực hiện hoàn toàn tự động trên phần mềm vi tính nên rất khó để chọn lọc ra những biển số được cho là đẹp để bán đấu giá. Đến thời điểm này chưa có một đề xuất nào về việc tiếp tục nghiên cứu việc bán biển số đẹp, thu tiền về cho ngân sách Nhà nước.
Không thống nhất quan điểm
Nguồn “tài nguyên” biển số đẹp đang bị lãng phí
Đề án thực hiện đấu giá BSX đẹp, dùng tiền thu được làm từ thiện hoặc bổ sung vào ngân sách Nhà nước được Thủ tướng Chính phủ giao cho 3 bộ là Công an, Tài chính, Tư pháp nghiên cứu, xây dựng. Cuối năm 2011, dự thảo thông tư liên tịch về hướng dẫn bán đấu giá biển số đẹp đã được 3 bộ trên đưa ra lấy ý kiến dư luận. Trong đó đã nêu ra khá chi tiết những quan điểm về biển số đẹp như: “tứ quý” (1111, 5555, 9999,…); “lộc phát” (6868, 8686); lặp đôi (3636, 4455, 6688,); “thẳng tiến” (12345, 56789)... và cách thức, chi phí tổ chức đấu giá.
Tuy nhiên, theo một lãnh đạo Vụ Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp), sau khi không thống nhất được quan điểm, Bộ Tài chính và Bộ Công an đã có văn bản báo cáo Thủ tướng xin nghiên cứu sau. Khúc mắc lớn nhất là việc các bên đứng trên quan điểm quản lý Nhà nước của mình đã không thể đi tới thống nhất về việc có nên coi biển số xe là một tài sản hay không. Nếu đó là tài sản thì người trúng đấu giá phải được di chuyển biển số từ xe này sang xe khác chứ không thể bắt buộc gắn vào vòng đời của một phương tiện (ô tô, xe máy)…
Đầu năm 2012, trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt (C67 - Bộ Công an) cho biết sẽ tiến hành nghiên cứu bán biển số đẹp. Theo đó, sẽ ban hành quy định để “định nghĩa” thế nào là biển số đẹp và giao các đơn vị định giá biển số, bán cho người dân có nhu cầu. Tuy nhiên, đến giờ việc nghiên cứu đề án bán biển số đẹp vẫn đang chỉ là… nghiên cứu. Do chưa có quy định ràng buộc nên các địa phương vẫn đang cấp biển số bình thường, không giữ lại biển đẹp. Trên các diễn đàn về ô tô, xe máy, thỉnh thoảng người ta lại phải “lác mắt” với những siêu xe của các đại gia gắn biển đẹp, “độc”, lạ.
Râm ran có tiêu cực
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, rất nhiều nước trên thế giới coi BSX đẹp là một nguồn tài nguyên phải khai thác có hiệu quả. “Rất nhiều người dân có tiền, có nhu cầu sở hữu xe đẹp kèm theo biển số đẹp. Tiền thu được từ việc đấu giá bán biển số đẹp không hề nhỏ chút nào, nó giúp ngân sách Nhà nước có thêm một khoản tiền để làm công tác xã hội. Không hiểu sao việc xây dựng thông tư hướng dẫn bán đấu giá biển số đẹp lại trở nên khó khăn như vậy đối với các ngành công an - tài chính - tư pháp” - ông Hậu nói và cho rằng việc phá sản đề án đang khiến nguồn tài nguyên này bị lãng phí đáng kể.
Đại diện C67 cho biết Chương trình 3B về cấp biển số xe do Bộ Công an triển khai thí điểm sẽ tiến tới “phủ sóng” trên khắp các cơ sở đăng ký, cấp biển số xe. Khi đó C67 có thể giám sát việc cấp từng chiếc biển số xe trên cả nước, tránh tiêu cực trong lĩnh vực này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét